5 Cách Biến “Kẻ Mộng Mơ” Thành “Người Hành Động”

Bạn là “kẻ mộng mơ” trong mắt người khác hay thậm chí là trong chính mắt bạn? Việc coi bạn là “kẻ mộng mơ” hay “người hành động” giống như nói rằng bạn tốt hay xấu vậy. Không ai 100%  “mộng mơ” hay 100% “hành động” cả. Người có thiên hướng này, người có thiên hướng khác. Và tin vui là: nhữngkhuynh hướng này không phải là “bất biến”, mà có thể điều chỉnh được để bạn trở nên cân bằng hơn.

 
"Người hành động" đều là "kẻ mộng mơ" nhưng
không phải "kẻ mộng mơ" nào cũng là "người hành động".


Hãy nhớ rằng một “người hành động” chưa chắc đã phải là tốt hơn một “kẻ mộng mơ”. Để thành công, bạn phải cần đến cả hai.

Nếu bạn quá thiên lệch theo hướng “kẻ mộng mơ” thì đây là lúc bạn phải hành động ngay. Dưới đây là một số trong những cách dễ dàng và nhanh chóng nhất giúp “kẻ mộng mơ” trong bạn tạm nghỉ ngơi đôi chút, dành chỗ cho “người hành động”. Hãy nhớ rằng, nếu không tiếp cận một cách toàn diện và cân bằng, bạn sẽ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn: mộng mơ quá – hành động quá – mộng mơ quá…

1. Hãy viết ra công việc và đặt “hạn chót” hoàn thành chúng.

Ví như bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết để gửi nó cho nhà xuất bản hay đơn vị phát hành. Điều đó tuyệt vời - nhưng làm thế nào để bạn tiến tới việc đó? Bạn nghĩ bản thảo như thế nào là có thể gửi đi? Mỗi ngày bạn có thể viết bao lâu? Bạn có thể lên lịch cho việc viết của bạn giống  thói quen đi làm hoặc đi đến phòng tập thể dục?

Hãy đề ra thời hạn chót để nộp bản thảo cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết, hoặc “thời hạn mini” cho từng phần, chẳng hạn như hai chương phải hoàn thành vào cuối tháng.

Phương pháp này có thể áp dụng đối với mọi việc chứ không chỉ là việc viết một cuốn tiểu thuyết như ở ví dụ này.

2. Cân bằng “mong muốn” và “nhu cầu”.

Mỗi khi quyết định làm một việc gì đó, bạn hãy dõi danh sách các bước cần làm để hoàn thành việc đó. Giống như việc bạn phải tiết kiệm một số tiền nhất định cho một sự kiện đặc biệt như đám cưới của bạn chẳng hạn. Nếu bạn muốn tiết kiệm $ 10,000 một năm, hãy nhìn vào ngân sách của bạn và tìm ra những gì bạn cần phải cắt giảm để có được số tiền trên. Bạn cũng cần phải làm thêm giờ hoặc nhận thêm công việc khác. Thậm chí bạn phải sống “tằn tiện” hơn trước rất nhiều.

3. Tăng cường giao thiệp với những “người hành động”.

Những “kẻ mộng mơ” sẽ càng khiến bạn “mơ mộng hơn”. Ngược lại, những “người hành động” sẽ truyền cảm hứng để bạn có thể trở thành người giống họ. Chỉ là truyền cảm hứng là chính, chứ họ không phải là những khuôn mẫu để bạn dập khuôn theo, thêm chăng chỉ là những bài học kinh nghiệm từ họ. Họ tiếp xúc với bạn không phải để chiêm ngưỡng con người mộng mơ hay để biết kế hoạch của bạn. Hãy nhớ, bạn mới là người chịu trách nhiệm trong việc làm thế nào để chuyển biến bớt khuynh hướng mộng mơ thành khuynh hướng hành động.

4. Dừng làm những việc vô nghĩa.

Bạn đã biết Einstein định nghĩa về “sự điên rồ” rồi, vậy tại sao bạn bị mắc kẹt vào những việc như thế? Nếu bạn đang mơ ước về một cái gì đó và những nỗ lực hiện tại của bạn không giúp ích để đạt được kết quả tích cực. Hãy dừng những nỗ lực đó ngay. Hãy đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tìm ra cách thực hiện mới hiệu quả hơn, giúp bạn không lặp lại những sai lầm mà mình đã mắc phải.

5. Chuẩn bị tư tưởng đón nhận những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, hay chí ít là mọi chuyện sẽ khó khăn hơn bạn nghĩ.

Một trong những nhược điểm của “kẻ mộng mơ” là trong cơn mơ họ thường nghĩ mọi thứ thật là dễ dàng. Thực tế là mọi chuyện thường phức tạp hơn họ nghĩ, cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn là họ tưởng tượng.

Khi viết ra kế hoạch hành động, bạn nên tăng thời gian và tiền bạc thêm khoảng một vài chục phần trăm. Bạn cũng phải chuẩn bị tư tưởng nếu sự việc tồi tệ xảy ra, thậm chí  bạn sẽ bị mất hết công sức và tiền bạc. Khi đó bạn sẽ không bị “sốc”, dẫn đến chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.

Một lần nữa xin nhắc bạn: Bạn đang thay đổi khuynh hướng để đạt được sự cân bằng, từ quá “mộng mơ” sang bớt “mơ mộng” để “hành động” hơn. Thế nên, đừng để “người hành động” lấn át hết “kẻ mộng mơ” trong bạn. “kẻ mộng mơ” chính là nguồn cảm hứng giúp bạn không ngừng sáng tạo, đưa bạn “vươn tới các vì sao”. Như đã nói ở trên, để thành công bạn không thể thiếu một trong hai khuynh hướng.

Cẩm nang Thành Công
- Theo Entrepreneur -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét