Đọc sách - việc tưởng
chừng như đơn giản ấy, hóa ra cũng công phu. Với Học giả Nguyễn Duy Cần, đọc
sách là cả một nghệ thuật. Hy vọng, chúng ta có thể tham khảo được những kinh
nghiệm quý báu sau khi đọc xong bài viết này, để việc đọc của chúng ta đạt hiệu
quả cao nhất.
5. Sách quá nhiều
chú giải
Có nhiều người tin tưởng rằng đọc những sách có nhiều chú
giải và phê bình sẽ giúp cho mình hiểu tác giả một cách rành mạch hơn. Giữa ta
và quyển sách cần phải có một sự tiếp xúc trực tiếp, không nên có nhiều kẻ xen
vào “giành giựt” sự thông cảm của riêng ta. Có những quyển sách dịch, vừa dịch
vừa chú giải quá rườm rà, kể lể ông này bà nọ đã nói gì về ý nghĩa của câu văn
kia trải qua từng thời đại. Kể ra công phu thì công phu thật, nhưng họ đã làm
“mất” cả sự hứng thú của những cảm giác hồn nhiên của ta đối với tác phẩm. Sự
bác học của nhà chú giải làm “rộn” ta nhiều hơn là giúp ích cho ta… Có gì bực
mình bằng lúc mà nhà thơ đang đưa ta vào cõi mộng mê ly của một câu thơ tuyệt đẹp
thì nhà chú giải bác học của ta kéo giựt ngược ta lại để giới thiệu cái nhạc điệu
của câu văn và cách dùng chữ ở những vần bình thượng bình hạ, hoặc cắt nghĩa
cho ta nghe chữ dùng kia của nhà thơ là một chữ có một nguyên lai cực kỳ lạ
lùng bí hiểm… Có khác nào trong khi ta đang nghe một khúc nhạc thâm trầm mê mẩn…
người ta lại bắt ta dừng lại để nghe diễn thuyết cả một bài học về luật điều
hoà! Ta đòi hỏi người ta nên để cho ta lặng lẽ mà nghe tiếng vang trong cõi
lòng thầm kín của ta khi tiếp xúc với tác phẩm ấy…
Đọc sách cần phải “uống nước tận nguồn” nghĩa là tìm
chánh văn mà đọc, đừng vội đi tìm những sách về tác giả ấy do một “bàn tay thứ
hai” viết lại. Như thế ta lại cũng cần phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm ấy
lâu chừng nào hay chừng nấy. Tôi xin thử lấy một thí dụ. Các bạn muốn đọc Pascal
là một đại văn hào Pháp ở thế kỷ thứ mười bẩy, nhưng từ trước đến giờ chưa có
được nghe ai nói đến để dự bị cho bạn. Những sách chú giải về Pascal là cả một
cái rừng, thảy đều có giá trị cả. Như bộ sách Port-Royal của Sainte-Beuve có thể
được xem là quyển sách chú giải rộng nhất và tự nó đã cũng là một tác phẩm rồi.
Vậy, bạn có cần phải khởi đầu bằng đọc sách của Sainte-Beuve chăng? Nghĩa là bạn
có bằng lòng đọc trước ba nghìn trang sách, trước khi mở ra quyển Tư tưởng lục
(Pensée) của Pascal không? Dĩ nhiên là bạn sẽ không phải làm một việc luống
công vô ích, dù bộ Port-Royal là một bộ sách rất phong phú, nghiên cứu rất kỹ,
thống quan về lịch sử tư tưởng văn chương của nước Pháp hồi thế kỷ thứ mười bảy.
Nhưng muốn gặp Pascal mà phải đánh một cái vòng to rộng như vậy, kể ra cũng khí
quá, huống chi công phu của bạn nếu đã xong rồi, bạn cũng chỉ nghiên cứu về
Sainte-Beuve chứ cũng chưa gặp đặng Pascal. Mà trong hai ngườ i ấy, bực vĩ nhân
hơn hết có lẽ cũng chỉ là Pascal. Đành rằng Sainte-Beuve là một phê bình gia
sâu sắc lắm, nhưng vẫn cũng không sao qua nổi Pascal là một thiên tài kỳ vĩ,
uyên thâm và rộng rãi đã làm danh dự chung cho nhân loại. Bạn nên đi ngay vào
Pascal đừng diên trì gì cả, dĩ nhiên là bạn phải biết đặt ông vào hoàn cảnh xã
hội của ông trước để có một ý niệm thống quan về những điều kiện khách quan đã
chi phối và cấu tạo thiên tài của ông, nghĩa là bạn cần phải biết qua về sự hoạt
động của nhóm “jansénisme” cũng như sơ lược về đời tư của ông. Nhưng muốn có được
một khái niệm như thế, bạn chỉ cần đọc lối ba mươi trang sách và mất chỉ vài giờ
là cùng. Bạn hãy lựa một quyển văn học sử đứng đắn như của các ông Gustave
Lanson, hay của Bédier và Hazard, hoặc là trong một bài tự ngôn nho nhỏ ở đầu
sách các quyển “Pensées” của Pascal cũng là đầy đủ lắm rồi. Dự bị được bao
nhiêu đó, hãy đi ngay vào tác phẩm của Pascal. Và sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều
lần và nghiền ngẫm nó…bấy giờ nếu có thời giờ, hãy đọc thêm Sainte-Beuve, hoặc
những bài nghiên cứu c ông phu của các văn gia Brunsch vig, Ravaisson, Ranh, F.
Strowski, Petitot, Jacques Chevalier… Nhưng dù sao, Pascal vẫn phải được quyền
ưu tiên.
6. Đọc sách cần
phải đọc đi đọc lại nhiều lần
Đọc sách hay, không nên đọc sách mượn. Sách mượn phải trả,
không nên giữ nó lâu ngày đến đợi người ta đòi. Cái đó thiếu liêm sỉ. Vậy đọc
sách hay, phải đọc sách mình đã mua, để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc đi
đọc lại nhiều lần, chẳng phải để cho dễ nhớ, mà là bởi có nhiều thứ sách rất
hàm súc: nếu chỉ đọc qua một bận, không tài nào hiểu nó được hết. Có nhiều quyển
sách đọc đến lần thứ ba, thứ tư mới hiểu được. Trước đây tôi có bàn đến sách
khó đọc. Khó đọc đây là khó đọc vì văn từ lòng dòng, cách cấu tạo hỗn độn mà ý
nghĩa thì thực chẳng có gì. Còn ở đây, tôi muốn bàn đến những sách hàm súc mà
văn từ quá điêu luyện, cần phải chú ý rất nhiều mới khám phá được những ẩn ý hoặc
những tế nhị của tư tưởng. Nhất là sách xưa, văn từ rất ngắn, không thích giảng
giải hay minh chứng dài dòng, nhưng hàm chứa những ý tưởng vô cùng sâu sắc. Gặp
phải những thứ sách như thế, có nhiều kẻ thận trọng, nhưng thiếu kinh nghiệm, họ
nhất định không chịu bỏ qua một chữ nào còn nghi ngờ cả. Nếu họ gặp một câu nào
khó hiểu, họ dừng lại, cố tìm cho ra nghĩa của câu đó mới chịu tiến tới. Với
phương pháp đó, tôi dám quả quyết họ sẽ không bao giờ đọc hết mười trang sách
Trang Tử hoặc của Kant hay Hégel. Gặp trở ngại mà cứ đứng lỳ lại, không chịu đi
tới nữa, theo tôi là một phương pháp sai lầm. Hãy cứ đi tới mãi… và đi cho tới
cùng. Bấy giờ ta mới thống quan được cái đại ý, nắm được cái giềng mối. Biết được
cái tổng quan niệm của tác giả, mình mới nhân đó mà suy xét lại những chi tiết
của nó. Rồi những gì mập mờ sẽ lần lần sáng tỏ lại. Đọc lần đầu, cần phải đi thật
mau, để xem cái lề lối đại cương của quyển sách, chẳng khác nào xem trước cái
hoạ đồ của một đô thị trước khi mình đi vào đó vậy. Đọc lần thứ hai, ta sẽ ngạc
nhiên thấy những trở ngại trước kia tiêu tan lần lần. Tư tưởng bấy giờ liên lạc
tiếp tục nhau không bị gián đoạn nữa, là vì mình đã biết được phương hướng của
nó rồi. Đừng nói là đọc lần thứ nhì, có loại sách đọc đi đọc lại ba, bốn lần mà
nghĩa nó vẫn mờ tối. Nhưng dù sao mình cũng đã biết được đại cương và phương hướng
của nó rồi. Những chỗ mờ tối ấy thủng thẳng lâu ngày rồi cũng sẽ có ngày hiển lộ.
Ta biết rằng câu văn của nhà đại tư tưởng thường rất vắn tắt mà hàm súc lắm.
Kinh nghiệm của ta còn ít, tư tưởng của ta còn nông, muốn hiểu hết ý nghĩa của
nó phải cần đến thời gian. Không phải họ cố ý làm cho tư tưởng họ mờ tối làm
gì. Chỉ vì họ có rất nhiều tư tưởng phải nói với ta, hiềm gì họ phải dùng đến một
tiếng nói tầm thường, không thể nào biểu diễn hết ý nghĩ của họ đặng. Ai đã từng
cầm bút mới biết rõ nỗi thống khổ của ta khi biểu diễn tất cả nỗi lòng của ta
mà văn từ không sao biểu diễn nổi. Dù là bực văn tài đến bực nào cũng cảm thấy
cái chỗ thâm sâu của tấm lòng không sao truyền vào câu văn cho hết được. Thánh
nhân mà còn nói: “Thơ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” thay! Vậy, đọc sách mà độ tới
cái chỗ “không thể nói được” đó, nhận được cái mà người ta gọi là “ý tại ngôn
ngoại”, thời đọc sách mới tinh thần. Trang Tử nói: “Có nơm vì cá. Muốn đặng cá
phải quên nơm. Có dò vì thỏ, muốn đặng thỏ phải quên dò. Có lời vì ý, muốn đặng
ý phải quên lời” Phật tổ ngày kia lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà bảo các đệ tử:
“Kìa là mặt trăng! Các đệ tử hãy ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng, nên nhớ:
ngón tay ta không phải là trăng. Những lời giảng của ta về Đạo cũng vậy. Các
con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: lời giảng của ta không phải
là Đạo”.
7. Cần đọc những
sách cao hơn tầm hiểu biết của mình
Một nguyên tắc trong việc tự học mà ta không nên quên là
chỉ có những công phu nào có nhiều cố gắng mới có thể có lợi cho sự tiến bộ
tinh thần trí não thôi. Không cố gắng, không sao tiến bộ được. Có nhiều người
quá thận trọng, quá rụt rè, không dám đọc những sách cao quá trình độ hiểu biết
của mình. Đọc sách cũng một trình độ tư tưởng của ta, cũng như đọc những sách
cùng đồng một chí hướng của ta chẳng khác nào kết bạn với những bực ngang hàng,
chỉ được có người tán tụng phụ hoạ mà không được có người nâng đỡ hoặc giúp ta
đặt lại vấn đề cùng suy nghĩ thêm nhiều khía cạnh bất ngờ khác. Có ích gì những
sách cùng một trình độ với mình, vì họ chỉ mang lại cho ta có cái tiếng dội của
những ý kiến của ta mà thôi. Tác giả không cao hơn ta sẽ không giúp ích gì cho
ta. Tuy lắm khi mình không theo kịp họ, nhưng cũng có lúc mình cũng lấn họ, và
nếu cần, cũng chống lại với họ. Sau khi đọc xong quyển sách, mặc dù mình không
đạt được hết tư tưởng của tác giả, mình cũng thấy chỗ thay đổi trong cái người
tinh thần của mình. Những chỗ tối tăm khó hiểu của họ lắm khi cũng giúp cho ta
suy nghĩ thêm nhiều hơn là khi họ nói ra một cách rạch ròi vỡ vạc. Nhà tư tưởng
Joubert có nói đại khái như vầy: “Những ý tưởng rõ ràng sáng sủa giúp cho ta tư
tưởng; nhưng chính những ý tưởng mập mờ lại giúp ta hành động, chính những ý tưởng
ấy chỉ huy sự sống của ta”. Ở đây chúng tôi muốn nói về những quyển sách cao
sâu, vượt quá cái tầm hiểu biết thường của ta, chứ không phải muốn nói về những
loại sách tối nghĩa của những kẻ muốn lập dị cầu kỳ mà thực ra rất tầm thường
và nông nổi. Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc
sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong
tiến bộ mau trên con đường trí thức.
8. Đối với bất cứ
sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm
Trước khi phê bình một quyển sách nào, phải để chút hy vọng
và tin tưởng nơi nó. Một người viết sách, dù có dở đến bực nào, cũng đã lao khổ
nhiều với tác phẩm của mình. Họ cũng đã bỏ nhiều thời giờ suy nghĩ nghiền ngẫm
mới viết ra. Thật cũng đã lao tâm khổ tứ với nó không ít. Nếu trước khi đọc nó,
mình lại thiên ý, hoặc có ý kình địch, ác ý, đó là tự mình làm mất một cơ hội tốt.
Biết đâu trong khi cùng “âm thầm đàm luận” với quyển sách, nó không khêu gợi
cho mình nhiều ý nghĩ hay hay. Có nhiều người viết văn rất khúc mắc khó đọc. Có
khi vì họ kém cái tài ăn nói, không biểu diễn ý tưởng của mình được một cách giản
dị rõ ràng, hoặc là tác giả có ý cầu kỳ lập dị… Nhưng mình cũng không vì đó mà
không rán công với họ một chút để tìm hiểu họ. Có khi họ sẽ đền đáp với mình rất
hậu. Cần nhất là mình phải có chút ít thiện cảm, để cùng nhận xét và thông cảm
với họ. Thường ta có thói quen “hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy”
mà mang theo mình đầy thành kiến trong khi đọc sách. Như thế, đọc sách không lợi
ích gì cho ta cả. Huống chi đọc sách mà có nhiều thiên kiến, nhất là ác cảm,
thì chắc chắn không làm gì hiểu được thâm ý của tác giả.
- Nguyễn Duy Cần -
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét